Trên đường nối liền từ Tòa Thánh đến chợ Long Hoa, Báo Quốc Từ được xây có hình một ngôi đền lục giác có sáu cạnh đều, nóc có ba từng, có hàng rào sắt chung quanh, như một quảng trường lớn, xe cộ phải đi vòng quanh. Vị trí không bên tả, không bên hữu, cũng không ở đầu đường hay cuối đường. Từ Chợ Long Hoa trông xa xa về Tòa Thánh sẽ trông thấy Ngôi Đền. Đền được làm lễ khánh thành ngày 16-8 Ất Mùi (01-10-1955) được trùng tu ngày 20 tháng 10 Bính Ngọ (01-12-1966). Hai mặt trước và sau có đắp hai đôi liễn nói lên sự tôn kính các bực anh hùng chí sĩ xả thân bảo vệ tổ quốc. Trong Báo Quốc Từ, nơi bàn thờ chánh bằng chữ Hán, hàng giữa thờ Quốc Tổ Hùng Vương, hàng bên phải Cứu Quốc Công Thần, hàng bên trái Chiến Sĩ Trận Vong và có linh vị ba vị cựu hoàng Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, bốn vị cựu hoàng được liệt vào hàng Trung Quân Ái Quốc. Bàn thờ được sơn son thếp vàng cao lớn, những từ khí trưng bày đều bằng đồng cao lớn cân xứng, hai bên có lọng vàng tàn đỏ, lổ bộ kim cung.
Nhân ngày lễ khánh thành, Đức Hộ Pháp có giảng ý nghĩa của Bảo Quốc Từ: “Đạo Cao Đài chỉ cho phép những tín đồ của mình phụng sự quốc gia và chủng tộc Việt Nam mà thôi chớ không phân biệt màu sắc đảng phái. Nơi đền thờ nầy, các Ngài đã thấy linh vị của mấy cựu hoàng và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, xin các Ngài đừng tưởng lầm rằng: Đạo đã xu hướng theo thuyết “Bảo Hoàng” mà kỳ thật các Đấng ấy, chỉ liệt vào hàng trung quân ái quốc của xã hội Việt Nam mà thôi. Vì công nghiệp của Họ tranh đấu giải ách lệ thuộc cũng đồng cùng các chiến sĩ cách mạng khác kia vậy. . .”
Báo Quốc Từ, một ngôi đền có vị trí và kiến trúc vô cùng đặc biệt tại Tây Ninh.
Trong các ngôi miếu mạo đền thờ ở Tây Ninh, có lẽ chẳng có ngôi nào có vị trí toạ lạc đặc biệt như ngôi Báo Quốc từ. Ngôi điện thờ này nằm giữa trục đường, xưa là lộ Báo Quốc từ, nay đã được đặt lại là lộ Hùng Vương nối Toà Thánh với chợ Long Hoa. Một bên là nhà Bưu điện, một bên là công viên của Trung tâm Văn hoá thị xã Hoà Thành. Trước mặt còn có thêm một con đường có tên là Phạm Văn Đồng, nối về Thành phố Tây Ninh, lúc nào cũng nườm nượp xe cộ qua lại như một dòng sông tuôn chảy quanh năm. Lưng tựa vào rừng thiên nhiên Toà thánh. Xa xa về phía Nam kia là chợ Long Hoa, từ độ mươi năm nay đã có một kiến trúc mới mẻ và hiện đại.
Về mặt kiến trúc quy hoạch, do lộ Hùng Vương được bố trí rộng và thẳng tắp nên có thể coi ngôi điện đứng giữa đường kia như một điểm nhấn của cảnh quan kiến trúc trục đường. Tới đây, con đường dĩ nhiên sẽ tách làm hai để rồi lượn vòng quanh ngôi điện, như hai nhánh sông ôm lấy một cù lao xinh xắn.
Người theo đạo Cao Đài thường xây các công trình có một mặt bằng hình bát giác. Có lẽ do hình tượng bát quái trong kinh Dịch. Như các phần bát quái đài trong thánh thất điện thờ. Cả ngôi chợ hoàn toàn mang tính thương mại như chợ Long Hoa xưa, cũng có mặt bằng hình bát giác. Nhưng ở Báo Quốc từ, ngôi điện lại có hình lục giác đều. Vòng tường rào là một lục giác mỗi cạnh 14 mét. Ngôi điện có cạnh đo theo bờ móng bên ngoài là 5 mét. Điều này thì ngay cả lễ sanh, cai quản Thái Tường Thanh cũng không lý giải được. Đành phải suy luận thôi! Có lẽ đấy là do ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo. Từ những ngôi tháp mộ đến những ngôi tháp chùa Phật giáo (như ở chùa Thiên Mụ – Huế) đều có hình lục giác. Mà đạo Cao Đài vốn được ra đời nhờ “Tam giáo quy nguyên” là Phật, Lão, Nho. Vậy kiến trúc có sự kế thừa từ Phật giáo cũng không phải là chuyện lạ.
Mặc dù diện tích ngôi điện chỉ có 45m2, nhưng cũng được cấu trúc hoàn chỉnh với cả hành lang nhỏ bao quanh, những trụ cột chính, phụ kết hợp khéo léo cùng những chi tiết lan can bao quanh, công – xon đỡ mái, bậc cấp xuống lên…Vòm cong giữa các cột hành lang cũng được chia ra chính, phụ rõ ràng với những đầu cột cùng những đường gờ chỉ được trau chuốt tỉ mỉ. Ta có thể nhận dạng rõ một kiến trúc Cao Đài, chính là nhờ vào hệ mái. Sáu tấm mái vòng quanh, có đủ ba tầng giống như mái đền thánh Tây Ninh. Ở mỗi góc mái của mỗi tầng đều có các đầu đao hình dạng một cành lá lượn. Trên nóc còn có thêm một tượng hình ngọn tháp. Bên trong điện, có bàn thờ chính hướng ra cửa chính hướng nam thờ Quốc tổ Hùng Vương và các vị công thần cứu quốc và chiến sĩ trận vong. Điều này được ghi trực tiếp lên tường hậu bàn thờ bằng chữ Hán, nổi bật là hàng chữ viết dọc chính giữa, phiên âm ra tiếng Việt là: “Hùng Vương Quân Chi Thuỷ”. Bên dưới các hàng chữ này còn có ảnh thờ của ba vị vua triều Nguyễn là: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ngay ở mặt sau của gian thờ chính còn có một bàn thờ các anh hùng liệt sĩ với phù điêu đắp nổi hàng chữ “Tổ quốc ghi công” dưới cờ đỏ sao vàng. Lễ sanh cai quản cho biết: ngôi điện thờ được xây trong ba năm 1952 – 1955, được khánh thành cùng với ngôi đền Toà thánh. Đến năm 2004, một phần do lún, phần do con đường được tôn cao nên nền nhà như thấp xuống dưới mặt đường. Họ đạo phải mời đích thân ông “thần đèn” Nguyễn Cẩm Luỹ đến nâng toàn bộ ngôi điện lên cao thêm 1,5 mét. Vậy mới có được ngôi kiến trúc hiện nay với đủ 5 bậc cấp đi lên.
Đã hơn 50 năm qua, cứ đến dịp mùng 10.3 âl là họ đạo Phường Long Hoa và Phường Long Thành Bắc lại tề tựu về Báo Quốc từ làm lễ giỗ tổ Hùng Vương. Năm 2011 Tân Mão, lễ hội càng nhộn nhịp hơn nhờ sự kiện hồ sơ tín ngưỡng thờ Quốc tổ tại Báo Quốc từ đang được đề nghị là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Rạp sắt được dựng thênh thang phía trước. Hoa trái, phẩm vật cúng được bà con đem tới từng mâm, từng thúng lớn trong đó có cả bánh chưng gói lá dong xanh. Dàn nhạc tới hoà âm rộn rã ngay từ tối mùng 9. Hôm sau là lễ tế chính diễn ra trong tiếng nhạc bổng trầm, xen với tiếng trống, mõ, thanh la. Các vị chủ tế và học trò lễ lần lượt dâng lên bàn thờ những hương, đèn và không thể thiếu tam bửu là: hoa, trà, rượu. Trong khi ấy thì dòng xe, dòng người vòng quanh vẫn lặng lẽ trôi quanh.
TRẦN VŨ
Kênh Khám Phá Tây Ninh tổng hợp
Nguồn: Báo Tây Ninh Online